Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Cảnh vũ trụ trong tuần

Khói, bụi bốc lên từ núi lửa Pavlof, bang Alaska, Mỹ. Một phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế chụp cảnh tượng này.
Khói, bụi bốc lên từ núi lửa Pavlof, bang Alaska, Mỹ hôm 18/5. Một phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế chụp cảnh tượng này. Ảnh: NASA.
Tinh vân Nhẫn có hình dạng giống như một con mắt xanh khổng lồ. Nằm trong chòm sao Lyra và cách trái đất chừng 2.000 năm ánh sáng, tinh vân Nhẫn là vật chất mà một ngôi sao đang hấp hối phóng ra. Ảnh: NASA.
Dải Ngân Hà giống như cây cầu bắc qua hẻm núi Bryce, bang Utah, Mỹ. Ảnh: TWAN.
Một hố có hình thù giống như hai chiếc vòng cách cực nam của mặt trăng khoảng 480 km. Ảnh: NASA.
Hai đám mây giống như hai cánh tay ôm mặt trăng phía trên một lâu đài tại thành phố Cochem, Đức hôm 18/5. Ảnh: TWAN.
Đám bụi, khi dày đặc trong tinh vân IC 2944 trong chòm sao Centaurus. Rất nhiều ngôi sao đã hình thành trong tinh vân này. Nó cách trái đất khoảng 5.900 năm ánh sáng và có chiều rộng khoảng 2 năm ánh sáng. Ảnh: ESO.

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Mỹ, châu Âu cùng chế tạo phi thuyền tương lai

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa phê chuẩn thỏa thuận hợp tác để chế tạo loại phi thuyền có khả năng bay tới sao Hỏa.

Hình minh họa phi thuyền Orion bay trong vũ trụ. Ảnh: ESA.
Hình minh họa phi thuyền Orion bay trong vũ trụ. Ảnh: ESA.
Sau khi phi đội tàu con thoi ngừng hoạt động, NASA dồn mọi nguồn lực vào việc chế tạo thế hệ phi thuyền mới. Orion, tên của thế hệ phi thuyền mới, sẽ có khả năng đưa người lên mặt trăng, các thiên thạch và sao Hỏa. Giống như mọi tàu vũ trụ khác, Orion cần động cơ để có thể di chuyển trong không gian. Theo một thỏa thuận hợp tác mà quan chức hai bên vừa ký, châu Âu sẽ cung cấp động cơ cho phi thuyền của Mỹ.
ESA và NASA muốn chuyến bay đầu tiên của Orion sẽ diễn ra trong năm 2017. Trong chuyến bay đó, tàu sẽ không mang theo người và bay tới vùng tối vĩnh cửu của mặt trăng rồi trở về trái đất.
Nếu chuyến bay đầu tiên diễn ra thuận lợi, Orion sẽ mang theo người lên vũ trụ vào năm 2021.
"Thỏa thuận hợp tác là một trang mới trong lịch sử hợp tác xuyên đại dương giữa Mỹ và châu Âu", Thomas Reiter, một quan chức của ESA, bình luận.
Chính phủ Mỹ sẽ không trả tiền cho công nghệ và những thiết bị mà ESA cung cấp. Thay vào đó, Mỹ sẽ coi chúng là khoản đền bù cho việc ESA sử dụng Trạm Không gian Quốc tế trong thời gian qua.
Minh Lon

Phi hành gia sẽ ở trong quả bóng khổng lồ

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ đưa một quả cầu cao su khổng lồ lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) để làm chỗ trú ngụ cho phi hành gia.

Hình minh họa quả cầu cao su mà NASA sẽ đưa lên ISS. Ảnh: NASA.
Hình minh họa quả cầu cao su mà NASA sẽ đưa lên ISS. Ảnh: NASA.
AP dẫn lời ông Glen Miller, một chuyên gia kỹ thuật của NASA, thông báo các nhà khoa học sẽ đưa một khoang cao su có hình dạng giống quả cầu lên ISS. Nó sẽ được nén vào một ống có chiều dài 2 m để tên lửa vận chuyển.
Nếu khoang hình cầu hoạt động tốt sau hai năm, NASA sẽ dùng nó trong những chuyến bay tới mặt trăng và sao Hỏa. Quả cầu cao su có thể cung cấp khoảng không gian lớn gấp ba lần so với những module nhôm trên ISS hiện nay, nhưng chi phí để chế tạo chúng lại thấp hơn nhiều so với module nhôm.
Dự án thử nghiệm của NASA được đầu tư 17,8 triệu USD. NASA sẽ hợp tác với Bigelow, một công ty về công nghệ không gian để đưa khoang hình cầu lên quỹ đạo. Lori Garver, phó giám đốc NASA, tiết lộ rằng NASA chọn Bigelow vì đây là công ty duy nhất chế tạo thiết bị có khả năng phồng và xẹp như bóng.
Quả cầu cao su khổng lồ, có chiều dài chừng 4 m, sẽ bay lên ISS trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2015. Bigelow muốn bán những quả cầu tương tự từ năm sau.
Minh Long

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Tàu ngầm chạy bằng pin

Một công ty Hà Lan vừa tung ra sản phẩm tàu ngầm cá nhân hoạt động bằng pin có khả năng lặn tới độ sâu 1.000 m.
> Tàu ngầm đạp chân/ Tàu ngầm chạy bằng sức người
Khoang chứa người của tàu ngầm C-Explorers được bảo vệ bởi kính chịu lực trong suốt để người sử dụng có thể nhìn rõ quang cảnh xung quanh. Ảnh: Discovery.
U-Boat Worx, một công ty tại Hà Lan, giới thiệu thế hệ tàu ngầm thám hiểm cá nhân mới hoạt động bằng ắc quy. Tàu C-Explorers, có khả năng lặn xuống độ sâu khoảng 1.000 m.
Discovery cho biết, C-Explorers chở được tối đa 6 người. Đối tượng khách hàng của nó là các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và những người cực giàu. Giá của phiên bản nhỏ nhất là 360.000 USD, còn phiên bản chở được 5 người có giá hơn một triệu USD.
Khoang chứa người của tàu ngầm mini được trang bị kính chịu áp lực trong suốt để người ngồi bên trong có thể nhìn rõ quang cảnh bên ngoài. Ngoài ra nó còn có nhiều tiện nghi cao cấp khác – như tủ để ướp lạnh champagne và đế sạc máy nghe nhạc iPod.
C-Explorer hoạt động nhờ pin lithium-ion 10 kWh. Nhưng hãng sản xuất còn có một phiên bản sử dụng pin 40 kWh.
Phiên bản nâng cấp của C-Explorer, được gọi là C-Explorer 2, sẽ ra mắt tại Triển lãm du thuyền Monaco vào cuối tháng 9.
Minh Long

FPT giành giải Nhất cuộc thi công nghệ do EADS tổ chức

Nhóm tác giả đến từ Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Trường ĐH FPT, đã giành giải Nhất Cuộc thi do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS) tổ chức.

Ngày 7/2, EADS đã công bố kết quả chính thức cuộc thi Tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão. Đây là cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ của EADS lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, bắt đầu từ tháng 10/2011.
Các đội tham gia phải trải qua 2 vòng thi là viết đề án gửi qua mạng cho ban tổ chức duyệt và thuyết trình, bảo vệ ý tưởng tại văn phòng EADS tại Hà Nội. Vượt qua nhiều đơn vị đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, nhóm nghiên cứu của FPT gồm Vũ Trọng Thư - Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Phạm Quang Hưng (Trường ĐH FPT) và Đào Văn Thắng (Trường ĐH Ngoại thương), đã giành vị trí cao nhất.
Nhóm tác giả đang thuyết trình với EADS. Ảnh: FSpace.
Nhóm tác giả đang thuyết trình với EADS. Ảnh: FSpace.
Chủ đề cuộc thi đưa ra khuyến khích các tác giả tìm kiếm giải pháp công nghệ để giảm thiểu thiệt hại về người cho ngư dân trước thảm họa bão. Sau khi tìm hiểu, phân tích thông tin, dựa trên các kết quả thực nghiệm về liên lạc tầm xa trên băng tần HF (dựa vào phản xạ tầng điện li) và qua phản xạ bề mặt Mặt Trăng, nhóm nghiên cứu không gian FSpace đã đưa ra giải pháp liên lạc dạng số (digital communication) cho các tàu cá với các trạm bờ trên băng tần HF và kênh liên lạc dự phòng thông qua chùm vệ tinh nhỏ trên băng tần VHF/UHF.
Điểm độc đáo của giải pháp công nghệ này là việc ứng dụng phương thức điều chế tín hiệu số tiên tiến có độ tin cậy cao (có thể giải điều chế tín hiệu với hệ số SNR rất thấp tới -29dB), sử dụng băng thông rất nhỏ (cỡ 6Hz), hỗ trợ đa truy cập cho tối đa 30.000 tàu cá.
Thiết bị đầu cuối lắp trên tàu cá có tính năng tự động thu thập các bản tin dự báo thời tiết hay dự đoán đường đi của bão, tự động cảnh báo giúp ngư dân tránh nạn cũng như tự động phát tín hiệu cấp cứu về bờ và các tàu xung quanh trong trường hợp khẩn cấp.
Các thành viên nhóm FSpace cùng Ban tổ chức. Ảnh: FSpace.
Các thành viên nhóm FSpace cùng Ban tổ chức. Ảnh: FSpace.
Bên cạnh đó, ý tưởng thiết kế chùm vệ tinh nhỏ (nano-satellite) với khối lượng 3kg làm nhiệm vụ trung chuyển các gói tin cũng như giám sát hoạt động tàu biển cũng được ban giám khảo đánh giá cao.
Giải thưởng cho nhóm xuất sắc nhất gồm 4.000 USD và chuyến đi Singapore cho 3 người đến dự trao giải, diễn ra trong triển lãm hàng không tại quốc đảo Sư tử vào ngày 14/2. Nhóm đoạt giải cũng sẽ được mời tới trung tâm nghiên cứu EADS Innovation Works tại Singapore để thăm quan và tìm hiểu về các công việc ở đây.
Theo anh Vũ Trọng Thư, điều quan trọng nhất ở giải thưởng này chính là các kỹ sư trẻ và sinh viên Việt Nam có thể đứng ra đảm nhận công việc thiết kế và triển khai ý tưởng. Giải thưởng này sẽ mở rộng cơ hội hợp tác của Viện nghiên cứu FPT với EADS, các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Viện nghiên cứu FPT cho biết sẽ dùng số tiền thưởng để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện đề án của mình nhằm cụ thể hóa ý tưởng “Cứu ngư dân trước thảm họa bão”.
Trước thực tế mỗi năm có hàng trăm ngư dân Việt Nam bị thiệt mạng sau mỗi mùa mưa bão, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Châu Âu (EADS) đã tổ chức Cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão như một trong những nỗ lực dùng công nghệ để giảm thiểu thảm kịch này mỗi năm. Tháng 10/2011, lần đầu tiên cuộc thi chính thức được khởi động tại Việt Nam, mở đầu cho chuỗi 3 cuộc thi về chủ đề này mà EADS sẽ tổ chức liên tiếp trong 3 năm 2011, 2012, 2013.
Cuộc thi đầu tiên nhằm vào các giải pháp giúp cảnh báo sớm ngư dân về các cơn bão. Cuộc thi thứ hai (năm 2012) hướng tới các giải pháp nhằm giúp ngư dân tránh bão sau khi đã có cảnh báo. Cuộc thi thứ ba (năm 2013) sẽ đưa ra các thử nghiệm thực tế dựa vào các giải pháp tích hợp từ các cuộc thi trước đó.
Lâm Thao

Phi cơ điện mở ra kỷ nguyên mới cho hàng không

Việc phi cơ điện đoạt giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy bay tiết kiệm nhiên liệu tại Mỹ có thể mở ra kỷ nguyên mới trong ngành hàng không.

Máy bay
Taurus G4, tên của máy bay điện đoạt giải nhất trong cuộc thi CAFE Green Light Challenge, cất cánh tại thành phố Santa Rosa, bang California vào ngày 26/9. Ảnh: NASA.
Space đưa tin vào năm 2009, NASA đã tổ chức cuộc thi chế tạo máy bay điện mang tên CAFE Green Light Challenge để khuyến khích người dân thiết kế, lắp ráp và trình diễn những máy bay sử dụng nhiên liệu hiệu quả. Kết quả cuộc thi vừa được công bố.
Pipistrel-USA.com, một đội từ Đại học Pennsylvania, giành giải nhất và nhận phần thưởng trị giá 1,35 triệu USD. Giải nhì, trị giá 120.000 USD thuộc về một đội có tên eGenius và tới từ bang California. Máy bay của cả hai đội đều không sử dụng nhiên liệu mà hoạt động nhờ điện.
“Chúng ta vừa chứng minh rằng máy bay điện đã rời khỏi tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và xuất hiện trong cuộc sống thực”, ông Joe Parrish, quyền giám đốc công nghệ của NASA, tuyên bố.
14 đội đã tham gia cuộc thi CAFE Green Light Challenge. Ban tổ chức yêu cầu các đội chế tạo những phi cơ có khả năng bay 322 km trong khoảng thời gian dưới hai giờ và sử dụng dưới 3,78 lít xăng trên mỗi hành khách. Chỉ có ba trong số 14 đội đạt yêu cầu.
“Hai năm trước ý tưởng về việc bay qua quãng đường 322 km bằng phi cơ điện chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết giả tưởng. Giờ đây chúng ta có thể chờ đợi kỷ nguyên của máy bay điện”, Jack Langelaan, trưởng nhóm Pipistrel-USA.com, phát biểu.
Mô hình phi cơ điện đã xuất hiện từ thập niên 70, song ngày nay phần lớn chúng (cả máy bay có người lái và không người lái) chỉ bay trong các thử nghiệm.
Minh Long

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Người gốc Việt nghiên cứu siêu vũ khí laser

Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt Định Nguyễn đang đứng đầu bộ phận nghiên cứu phát triển hệ thống của Hải quân Mỹ phóng laser phá hủy tên lửa.
 

Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt Định Nguyễn.
 
Với lực lượng hải quân hiện diện trên toàn cầu, Mỹ luôn phải đẩy mạnh nghiên cứu những hệ thống phòng thủ hữu hiệu cho tàu chiến. Áp lực ngày càng lớn hơn khi một số loại tên lửa chống tàu chiến mới được nâng cấp cả về tầm bắn lẫn sức công phá. Thời gian qua, nhiều nguồn tin quân sự liên tục khẳng định Trung Quốc đang hoàn thiện loại tên lửa DF-21D, có tầm bắn 3.000 km, đủ sức phá hủy tàu sân bay.
Giữa lúc tin tức về DF-21D dồn dập xuất hiện, Hải quân Mỹ bất ngờ công bố bước tiến mới của chương trình siêu vũ khí khắc chế hỏa tiễn diệt tàu chiến. Đầu năm nay, website của Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ thông báo đã có đột phá trong việc phát triển hệ thống phóng tia laser đủ sức tiêu diệt các loại tên lửa tấn công tàu chiến. Theo đó, các nhà khoa học ở Trung tâm thí nghiệm quốc gia Los Alamos, thuộc bang New Mexico thử nghiệm thành công việc phóng chùm laser có công suất phát xạ đạt ngưỡng megawatt.
Theo tạp chí Wired, chương trình nói trên đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, lâu nay Hải quân Mỹ chỉ mới dừng lại ở khả năng phát ra chùm tia laser công suất 14 kilowatt, trong khi phải đạt mức 100 kilowatt mới đủ sức phá hủy tên lửa. Vì thế, việc phóng thành công chùm tia laser công suất ngưỡng megawatt là một thành tựu lớn.
 
Đồ họa thể hiện hoạt động của hệ thống FEL megawatt. (Ảnh: Aramybase.us)
 
Tiến sĩ Định Nguyễn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dự án trên, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì nỗ lực thiết kế và thử nghiệm đã thành công”. Quentin Saulter, Tổng quản lý dự án cho Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ, tán dương nhóm chuyên gia của ông Nguyễn vì đã đạt được bước tiến trên sớm 9 tháng so với thời hạn đặt ra. Ông Saulter đánh giá đây là thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ Free Electron Laser (FEL), mở ra một thế hệ vũ khí tiên tiến mới.
Hiện nay, tàu chiến Mỹ chủ yếu sử dụng các loại súng pháo để tạo thành lưới phòng không chống tên lửa. Tuy nhiên, phương pháp này khó chiếm được ưu thế đối với các loại tên lửa
Ông Định Nguyễn nhận bằng cử nhân hóa học tại ĐH Indiana vào năm 1979, được trao học vị tiến sĩ hóa học ở ĐH Wisconsin năm 1984 và chính thức gia nhập Trung tâm thí nghiệm quốc gia Los Alamos cũng trong năm này. Sau đó, ông nhanh chóng trở thành nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực phát triển chùm tia laser công suất lớn. Hiện nay, ông là thành viên Hội Vật lý Mỹ và Ủy ban Chương trình nghiên cứu về FEL. Tiến sĩ Định Nguyễn đã có hơn 60 bài viết khoa học tạo nhiều dấu ấn cùng nhiều tham luận tại các hội thảo. (Theo Deps.org)
tốc độ cao và có tầm bay thấp. Vì thế, hệ thống FEL công suất megawatt sẽ giúp thay đổi cục diện nhờ tính chính xác cao và tốc độ bắn cực “khủng”. Sau khi dò thấy tên lửa, tàu chiến có thể nhanh chóng phóng tia laser để tiêu diệt và nhờ tốc độ phát xạ cao, hệ thống FEL vẫn kịp thời phá hủy tên lửa khi đã ở cự ly gần. Theo kế hoạch trước đó, tàu chiến Mỹ sẽ được trang bị hệ thống trên vào năm 2018. Tuy nhiên, theo trang Engadget.com thì dự án trên đang chịu sức ép tại Thượng viện Mỹ vì chi phí quá cao. Với những đột phá của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Định Nguyễn đứng đầu, các nghị sĩ có thể sẽ suy xét kỹ càng hơn về dự án.
Nhiều năm qua, Lầu Năm Góc luôn tìm cách đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ laser vào vũ khí. Năm 2010, cơ quan này đầu tư cho Tập đoàn Boeing khoản tiền 26 triệu USD để phát triển các ứng dụng laser trên tàu chiến. Trong đó, việc sử dụng tia laser dẫn đường để tăng cường tính chính xác của vũ khí là mục tiêu hàng đầu.
 
Siêu laser
Công nghệ Free Electron Laser được phát minh vào năm 1976 bởi giáo sư vật lý John Madey ở ĐH Standford. Loại laser này có các thuộc tính quang học giống những chùm tia laser thông thường nhưng khác về nguyên lý phát ra. Free Electron Laser không được phát ra nhờ quá trình kích thích để tăng mức năng lượng của các electron như thông thường mà nhờ một chùm tia điện tử đi qua một cấu trúc từ tính. Do đó, tránh được hiện tượng sinh nhiệt và sức hủy diệt của tia laser tăng mạnh. FEL đang được nghiên cứu ứng dụng trong một số lĩnh vực, trong đó có quân sự.
 
Theo Ngô Minh Trí
Lao động